Tháng năm rực rỡ

Giữa trào lưu remake các tác phẩm nổi tiếng của nước ngoài, bộ phim mới đạo diễn Dũng “khùng” gây ấn tượng với chất lượng hoàn thiện tốt, cân bằng giữa nguyên tác và Việt hóa.

Bạn đang xem: Tháng năm rực rỡ


Trailer bộ phim "Tháng năm rực rỡ" Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng làm lại bộ phim nổi tiếng "Sunny" của điện ảnh Hàn Quốc với bối cảnh Đà Lạt năm 1974-1975.

Thể loại: Tâm lý, hài hướcĐạo diễn: Nguyễn Quang DũngDiễn viên chính: Hồng Ánh, Hoàng Yến Chibi, Thanh Hằng, Hoàng Oanh, Jun Vũ, Thanh Tuyền, Mỹ Duyên, Khổng Tú QuỳnhZing.vn đánh giá: 7/10

*
Tháng năm rực rỡ là bộ phim remake từ điện ảnh Hàn Quốc đầu tiên trong năm nay của các nhà làm phim Việt Nam.

Sunny là tác phẩm thứ hai của đạo diễn Kang Hyeong-cheol, sau dự án đầu tay rất thành công ra mắt năm 2008 là Scandal Makers (cũng chuẩn bị được remake phiên bản Việt dưới tựa đề Ông ngoại tuổi 30).

Bộ phim xoay quanh câu chuyện về một nhóm bạn bảy người có tên Sunny. Họ chơi chung với nhau thời trung học, để rồi 25 năm sau mới có cơ hội tái ngộ khi người trưởng nhóm mắc bệnh hiểm nghèo.

Với câu chuyện đời thường đơn giản nhưng hấp dẫn, thú vị, khai thác đề tài nhiệt huyết tuổi thanh xuân với những ước mơ, hoài bão không bao giờ cũ, cùng phần diễn xuất ấn tượng của dàn diễn viên trẻ, Sunnynhận được sự khen ngợi nhiệt liệt từ cả giới phê bình lẫn khán giả đại chúng.

Phim bán được gần 7,4 triệu vé, trở thành tác phẩm có doanh thu cao thứ hai tại Hàn Quốc trong năm 2011. Sunny đồng thời còn thắng giải Đạo diễnDựng phim xuất sắc tại lễ trao giải thưởng điện ảnh Đại Chung lần thứ 48.

Cả Hollywood lẫn Nhật Bản đều đang có kế hoạch làm lại Sunny. Trong lúc chờ đợi bản remake từ các nền điện ảnh lớn, khán giả Việt Nam nay có thể thưởng thức phiên bản Việt hóa do đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thực hiện với tên gọi Tháng năm rực rỡ.

Nội dung chính trung thành với nguyên tác

Tháng năm rực rỡ mở đầu bằng việc giới thiệu nhân vật Hiểu Phương (Hồng Ánh) - một người phụ nữ trung niên có cuộc sống sung túc bên cạnh chồng con. Trong một lần vào bệnh viện chăm sóc mẹ đẻ bị bệnh, cô tình cờ gặp lại Mỹ Dung (Thanh Hằng) - người bạn cũ từ thưở trung học. Cả hai vốn cùng chơi với nhau trong một nhóm bạn 6 người tự gọi là “Ngựa Hoang”.

Mỹ Dung đang bị ung thư phổi giai đoạn cuối, nhiều khả năng chỉ còn sống được thêm hai tháng. Cô nhờ Hiểu Phương tìm lại các thành viên khác của Ngựa Hoang để có thể gặp lại cả họ lần cuối cùng trước khi quá muộn.

Nhóm bạn năm nào giờ đều đã mất liên lạc. Trên hành trình tìm lại các thành viên khác của Ngựa Hoang, Hiểu Phương có cơ hội sống lại ký ức tươi đẹp khi nhóm cô gái còn ở độ tuổi ô mai.

Do chính CJ Entertainment sản xuất, Tháng năm rực rỡ có lối thực hiện khá trung thành so với nguyên tác. Từ câu chuyện chính đến các sự kiện, diễn biến chính, phụ, thậm chí cả lối thiết kế sản xuất, phong cách dựng phim, chuyển cảnh độc đáo giữa bối cảnh quá khứ - hiện tại của nguyên tác, đều được các nhà làm phim Việt tái hiện.

*
Mạch truyện chính của Tháng năm rực rỡ rất trung thành với nguyên tác.

Sở hữu bộ khung kịch bản vững chắc của nguyên tác, Tháng năm rực rỡ tương đối thành công trong việc truyền tải nét tinh túy của bộ phim gốc đến khán giả. Đề tài thanh xuân, tuổi trẻ không bao giờ cũ. Do đó, Tháng năm rực rỡ thực tế không cần điều chỉnh câu chuyện, tình tiết quá nhiều, nhưng vẫn đảm bảo tính phù hợp với tâm lý và khẩu vị của khán giả Việt.

Bối cảnh quá khứ có phần được ưu tiên khai thác sâu hơn trong phiên bản Việt. Đúng như tên gọi, khán giả có cơ hội chìm đắm trong bối cảnh Đà Lạt những năm 1974-1975 đầy rực rỡ và thơ mộng, từ những căn nhà, hàng quán nhiều màu sắc, cho đến những bộ trang phục trẻ trung, phá cách và đậm chất retro. Ở đó, thời thanh xuân tươi đẹp của nhóm Ngựa Hoang hiện lên vô cùng trẻ trung, ấn tượng.

Bộ phim xử lý khá tốt tuyến truyện xảy ra trong quá khứ, dù rằng các sự kiện của tuyến truyện gần như lặp lại tương đối máy móc nguyên tác. Một số tình tiết như cảnh Hiểu Phương lúc nhỏ (Hoàng Yến Chibi) và Tuyết Anh lúc nhỏ (Jun Vũ) tâm sự rồi uống rượu với nhau được đưa nguyên si từ Sunny vào bản remake có phần không phù hợp với bối cảnh văn hóa.

Phong cách thời trang độc đáo trong phim cũng không hoàn toàn phù hợp với thực tế như ở phiên bản Hàn, và có xu hướng lý tưởng, cường điệu hóa.

Tuyến truyện diễn ra trong bối cảnh hiện tại có phần lép vế hơn, nhưng lại sở hữu sự sáng tạo hợp lý, tạo cảm giác gần gũi thực tế. Tuy nhiên, vẫn có một vài tình tiết bị lặp lại máy móc, như trường đoạn Hiểu Phương lúc lớn… mặc đồng phục nữ sinh tập kích đám học sinh bắt nạt con gái mình.

Trong bản Hàn Quốc, chi tiết gây cười từng được đề cập đến từ trước nên tỏ ra tương đối thuyết phục. Còn ở phiên bản Việt, nó xuất hiện quá bất ngờ nên không gây ra hiệu quả như mong đợi.

Xem thêm: Chị Đẹp Mua Cơm Ngon Cho Tôi Tập 5 Vietsub, Chị Đẹp Mua Cơm Ngon Cho Tôi Tập 5

Những chi tiết Việt hóa sáng giá

Nguyên tác Sunny có hai tuyến truyện với hai bối cảnh quá khứ – hiện tại khá rõ ràng về mặt thời gian, và điều đó trở thành thử thách không nhỏ đối với các nhà làm phim nước ngoài nếu muốn làm lại bộ phim sao cho phù hợp với bối cảnh lịch sử nước sở tại. May mắn thay, Tháng năm rực rỡ đã xử lý vấn đề khá ổn thỏa.

Seoul, Hàn Quốc những năm 1980 được các nhà làm phim Việt chuyển biến thành Đà Lạt, Việt Nam vào quãng thời gian 1974- 1975 khá mượt mà. Chi tiết lịch sử đặc trưng như phong trào đấu tranh Dân chủ của sinh viên tại Hàn Quốc nay biến thành phong trào đấu tranh Tự do - Dân chủ của sinh viên dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa là điểm cộng ấn tượng, thể hiện sự đầu tư nghiên cứu, đổi mới nghiêm túc của biên kịch và đạo diễn.

*
Điểm cộng lớn của Tháng năm rực rỡ là nhiều chi tiết nghệ thuật được Việt hóa tài tình, giúp tác phẩm mang đậm hồn Việt, chứ không phải bản copy y nguyên nguyên tác.

Phần âm nhạc ấn tượng của nguyên tác cũng được Việt hóa tài tình. Thay vì sử dụng một số bản hit quốc tế như Touch by Touch, Girls Just Want to Have Fun hay bản cover Sunny, Tháng năm rực rỡ đem đến nhiều ca khúc gắn liền với thời kỳ âm nhạc Việt Nam của thập niên 1970.

Đó là Kim ơi (Y Vũ), Vết thù trên lưng ngựa hoang (Phạm Duy, Ngọc Chánh), Ru ta ngậm ngùi (Trịnh Công Sơn)…, hay bản nhạc Nụ hôn đánh rơi do nhạc sĩ Đức Trí viết riêng cho bộ phim.

Trong đó, Vết thù trên lưng ngựa hoang dưới sự thể hiện mang đậm phong cách rock của Phạm Anh Khoa không chỉ giúp khắc họa tinh thần cuồng nhiệt, sống hết mình của nhóm bạn trẻ, mà còn là nguồn gốc cho cái tên “Ngựa Hoang”.

Bên cạnh đó, bài hát Yêu (Văn Phụng) với sự thể hiện của Hoàng Yến Chibi trong trường đoạn tái hiện cảnh hát dưới mưa kinh điển của tác phẩm ca vũ nhạc Singin" in the Rain (1952) cũng là điểm cộng đáng giá dành cho Tháng năm rực rỡ.

Bối cảnh hiện tại của bộ phim cũng có điều chỉnh sao cho phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam những năm 2000, với một số cải biên sáng giá. Thay vì là nhân viên tư vấn bảo hiểm - công việc còn tương đối xa lạ với người Việt Nam tại thời điểm đó như trong phim bản Hàn Quốc, nhân vật Lan Chi khi lớn (Tuyền Mập) trở thành bà chủ tiệm cầm đồ ở xóm lao động nghèo. Hay chi tiết Thùy Linh lúc lớn (Mỹ Duyên) cặp kè với trai trẻ để rồi bị lừa tình, “đào mỏ” cũng là nét sáng tạo đáng ghi nhận.

Thay cho việc sử dụng thám tử tư - loại hình dịch vụ cũng còn xa lạ vào những năm 2000 - để tìm người, đạo diễn và biên kịch của Tháng năm rực rỡ đã sáng tạo sử dụng nhóm “thám tử nhân dân”, tạo ra một nét độc đáo đậm chất Việt Nam nữa cho bộ phim.

Chỉ tiếc rằng chi tiết nhờ người tìm kiếm chàng trai trong mộng năm xưa của Hiểu Phương gần như bị lược bỏ ở Tháng năm rực rỡ, khiến sự kiện cô tìm gặp lại anh sau nhiều năm xa cách trở nên rời rạc, nằm ngoài mạch phim.

Dàn diễn viên chất lượng nhưng chưa đồng đều

Khác với nguyên tác Hàn Quốc, nhóm Ngựa Hoang trong phim chỉ còn lại sáu thành viên. Ê-kíp Tháng năm rực rỡ đã dũng cảm cắt bỏ đi nhân vật mờ nhạt nhất nhóm - Hwang Jin-hee (Hong Jin-hee / Park Jin-joo), và chỉ giữ lại những người sở hữu cá tính nổi bật, đóng vai trò quan trọng đối với nội dung.

Về cơ bản, dàn diễn viên trong phim đều thể hiện trọn vẹn nhân vật của họ. Trong đó, nhóm diễn viên trẻ vào vai các cô gái trong quá khứ có ngoại hình và nét diễn xuất đồng đều, nổi bật hơn.

Từ Hoàng Yến Chibi đến Hoàng Oanh, Jun Vũ, hay tay ngang như Khổng Tú Quỳnh, cùng có màn hóa thân thuyết phục, ấn tượng, có điểm nhấn riêng, và là đối trọng đáng giá đối với nguyên tác Hàn Quốc.

*
Các diễn viên thể hiện nhóm Ngựa Hoang lúc lớn tỏ ra lép vế hơn các "đàn em".

Tiếc rằng, ở tuyến truyện hiện tại, các nhân vật lại có sự chênh lệch về ngoại hình và tuổi tác tương đối rõ ràng, không sở hữu sự đồng đều như nguyên tác. Đáng kể nhất là vai diễn “chị đại” Mỹ Dung của Thanh Hằng.

Cô quá trẻ trung nếu so sánh với các bạn diễn, trong khi bản thân Mỹ Dung phải là người lớn tuổi nhất nhóm, và còn đang mắc bệnh hiểm nghèo. Đây trở thành điểm trừ không đáng có dành cho tác phẩm.

Bên cạnh vấn đề về ngoại hình, Tháng năm rực rỡ cũng mới chỉ đề cập đến vấn đề thực tế cuộc sống hiện thực nghiệt ngã, hay ước mơ xa vời của người trung niên một cách hời hợt, chưa đủ sâu sắc như nguyên tác.

Tuy nhiên, về tổng thể, đây vẫn là một bộ phim remake chỉn chu với những sáng tạo đáng ghi nhận, khẳng định xu hướng làm lại các tác phẩm nổi tiếng của nước ngoài là đúng đắn khi các nhà làm phim bỏ ra sự đầu tư nghiêm túc.